Dự án điện khí Bạc Liêu, một dự án được kỳ vọng sẽ thay đổi toàn bộ nền kinh tế của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đã khép lại một năm 2020 với nhiều kết quả khả quan. Đây là dự án lớn đầu tiên tại Việt Nam do tư nhân đầu tư 100%, bao gồm một nhà máy phát điện với công suất 3,2 GW, trạm tiếp nhận, lưu trữ, tái hóa khí LNG nổi ngoài khơi, hệ thống ống dẫn và toàn bộ các hạ tầng liên quan trên bờ và ngoài khơi được xây dựng tại tỉnh Bạc Liêu. Đến cuối năm 2020, dự án đã hoàn thành được 95% các thủ tục cần thiết để đi vào triển khai.
Bước cuối cùng và cũng là bước quan trọng nhất của quá trình ra quyết định chính là việc ký kết Hợp đồng mua bán điện (PPA) với Chính phủ Việt Nam. Quá trình đàm phán giữa công ty Delta Offshore Energy và Chính phủ đã bắt đầu vào ngày 29/10/2020. Theo đó, Hợp đồng mua bán điện khẳng định cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc mua điện từ dự án Bạc Liêu trong vòng 25 năm với tổng trị giá vòng đời dự án lên tới khoảng 50 tỷ USD.
“Dự án này chính là một trong những nền tảng vững chắc để xây dựng một tương lai tươi sáng hơn cho Việt Nam.”, ông Bobby Quintos, Giám đốc điều hành của DOE cho biết. “Hợp đồng mua bán điện PPA là một lời khẳng định mạnh mẽ về mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa Việt Nam và DOE. Cả hai bên đều đang hợp tác chặt chẽ và cẩn trọng để xây dựng thỏa thuận vừa đảm bảo lợi ích cho người dân, vừa đảm bảo tính khả thi thương mại cho dự án. Là một dự án tiên phong, quá trình này có thể sẽ cần thêm thời gian hơn so với dự tính ban đầu. Tuy nhiên, chúng tôi tin tưởng rằng những gì chúng tôi đang nỗ lực thực hiện sẽ mang đến những giá trị hết sức ý nghĩa cho thế hệ tương lai và lợi ích của họ.”
Về mặt kỹ thuật, trong năm 2020, dự án điện khí Bạc Liêu cũng đã đạt được một số cột mốc nổi bật. Một trong số đó bao gồm:
- Hồ sơ mời thầu cung cấp khí LNG do DOE phát hành nhằm khảo sát mức giá chào bán LNG trong 25 năm đã chọn ra được 9 bản chào thầu vào vòng lựa chọn tiếp theo (từ 29 bên tham gia đấu thầu ban đầu).
- Việc lựa chọn nhà thầu thiết kế và xây dựng kho chứa nổi LNG (FSU), một thành phần rất quan trọng của tổ hợp nhà máy, cũng đã đến bước cuối cùng. DOE hiện đang cân nhắc hai hồ sơ thầu hấp dẫn nhất.
- Nhà thầu quốc tế McDermott đã hoàn thành bản Thiết kế tiền cơ sở (FEED) cho hệ thống đường ống dẫn sẽ truyền khí LNG từ trạm tái hoá khí tới nhà máy điện.
- Quá trình chuẩn bị cho nhà máy phát điện trên bờ cũng đạt được 2 dấu mốc quan trọng. Bechtel, đơn vị kỹ thuật hàng đầu thế giới đã hoàn thành mọi nghiên cứu tiền FEED cần thiết để tiến hành các cơ sở kỹ thuật cho nhà máy; đồng thời, Black & Veatch, một công ty uy tín khác về kỹ thuật và xây dựng toàn cầu cũng đã thực hiện xong nghiên cứu khái niệm về dự án.
“Dự án điện khí Bạc Liêu sẽ tạo điều kiện giúp địa phương thực hiện công nghiệp hoá bằng năng lượng sạch, qua đó giúp Chính phủ xoá đói giảm nghèo và nâng cao mức sống của người dân tại khu vực này", ông Ian Nguyễn, Giám đốc điều hành của DOE tại Hà Nội chia sẻ. “Tất cả các đối tác tham gia dự án đều tâm huyết và cam kết thực hiện mục tiêu mang đến nguồn năng lượng sạch, ổn định với giá cả phải chăng cho Việt Nam. Đây là một ví dụ điển hình cho tinh thần hợp tác quốc tế, đồng thời sẽ giúp tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam có bước phát triển ngoạn mục đưa đất nước trở thành một nền kinh tế toàn cầu hoá thực sự trong tương lai.”
Thông tin thêm:
Dự án điện khí Bạc Liêu LNG được kỳ vọng là một bước tiến ngoạn mục đối với Việt Nam. Đây là dự án lớn đầu tiên do tư nhân đầu tư 100% tại Việt Nam, và cũng là dự án đánh dấu bước đầu tiên trong quá trình chuyển dịch nguồn năng lượng chính từ than sang khí của Việt Nam. Dự án không chỉ giúp Việt Nam đảm bảo vấn đề an ninh năng lượng mà còn hỗ trợ quá trình công nghiệp hoá, xoá đói giảm nghèo và nâng cao chất lượng đời sống của người dân tại những khu vực kinh tế khó khăn nhất hiện nay. Trước đó, dự án điện khí Bạc Liêu đã được Chính phủ phê duyệt đưa vào Quy hoạch điện 7 điều chỉnh của Việt Nam và hiện đang trong quá trình đàm phán ký kết Hợp đồng mua bán điện (PPA) với Chính phủ Việt Nam.
Trong thời gian gần đây, Việt Nam đã vươn lên trở thành quốc gia thu hút vốn FDI hàng đầu khu vực và là quốc gia được hưởng lợi nhiều từ chiến lược “Trung Quốc +1” mà nhiều ngành công nghiệp trên thế giới đang theo đuổi. Tốc độ công nghiệp hoá nhanh của Việt Nam đã và đang mang đến những thách thức không nhỏ cho hệ thống lưới điện hiện tại. Tình trạng thiếu điện và cắt điện đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng tại một số khu vực trong nước, đặc biệt là tại miền Nam Việt Nam, nơi có dân số đông nhất cả nước và cũng là nơi tập trung nhiều khu công nghiệp. Dự án điện khí Bạc Liêu LNG dự kiến đi vào hoạt động năm 2024 được kỳ vọng sẽ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng tại địa phương bằng việc cung cấp nguồn năng lượng sạch từ LNG.